Nứt kẽ hậu môn là vết loét do lớp da ống hậu môn dưới vùng nếp nhăn bị nứt ra tạo thành. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng khó chịu cho bệnh nhân.
Mục lục
Triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn (nứt hậu môn) là một vết rách nhỏ nằm ở ống hậu môn và gây đau, chảy máu khi đại tiện, thường gặp ở những người thường xuyên bị táo bón. Phân tồn đọng lâu ngày trong trực tràng sẽ to ra và rất cứng do nước bị tái hấp thu hết, do đó lúc bệnh nhân đi đại tiện, động tác gắng sức rặn làm rách hoặc nứt hậu môn. Một khi hậu môn bị nứt, người bệnh sẽ cảm thấy đau rát khó chịu, đặc biệt là sau mỗi lần đại tiện.
Triệu chứng điển hình là cảm giác đau đớn ở hậu môn khi đại tiện; cơn đau càng dữ dội khi phân khô – rắn đi qua hậu môn. Một cơn đau do nứt kẽ hậu môn thường xảy ra theo 3 giai đoạn: đau khi phân đi qua chỗ nứt; hết đau 10 đến 15 phút; đau trở lại và kéo dài nhiều giờ rồi tự nhiên hết đau. Cảm giác đau đớn này làm bệnh nhân thường sợ đi đại tiện.
- Bệnh nhân có thể bị chảy máu đỏ tươi bám theo phân. Số lượng máu hoặc nhỏ giọt, hoặc nhiều, tùy theo vết nứt kẽ sâu hay nông.
- Có cảm giác ngứa hoặc kích ứng xung quanh hậu môn.
- Triệu chứng tiểu dắt, tiểu đau hay bí tiểu do hệ tiết niệu bị kích thích.
- Ở giai đoạn mạn tính thì cơn đau giảm nhẹ vì hiện tượng co thắt mất dần và thay vào đó là hiện tượng tăng trương lực cơ.
- Vùng kẽ nứt bị mẩn ướt, có phản ứng viêm xuất tiết, kích thích vùng da xung quanh, xuất hiện vạt da tăng sinh, mẩn ngứa khó chịu.
- Khi bị nhiễm khuẩn, ổ loét ở hậu môn được bao phủ bởi một lớp mủ đặc. Bệnh biến chứng nặng sẽ tạo thành một đường rò mà lỗ ngoài nằm núp sau mảng da thừa. Nếu thăm hậu môn trực tràng bằng ngón tay thì bệnh nhân rất đau, không chịu nổi, nên bệnh nhân luôn luôn từ chối không cho thầy thuốc thăm khám hậu môn.
- Có thể nhìn thấy vết nứt hậu môn, thông thường ở vị trí giữa sau hậu môn. Nếu là vết nứt mạn tính thì có thể thấy một mẩu da thừa nhỏ gần đầu dưới vết nứt.
Xem: Nứt kẽ hậu môn bao lâu thì lành?
Điều trị nứt kẽ hậu môn bằng phương pháp không phẫu thuật
Điều trị nứt hậu môn tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Nhìn chung có hai phương pháp là điều trị không phẫu thuật và điều trị bằng phẫu thuật.
Điều trị không phẫu thuật là cách điều trị căn bản áp dụng cho mọi vết nứt hậu môn. Nguyên tắc điều trị là lọai bỏ những tác nhân gây bệnh và giúp tăng cường máu nuôi đến niêm mạc tổn thương. Nếu điều trị đúng cách bằng phương pháp này thì có thể làm lành đến 90% các vết nứt cấp tính.
- Chế độ ăn uống là điều cần phải được thay đổi đầu tiên như ăn thêm chất xơ, ăn nhiều rau, uống thêm nhiều nước để làm phân mềm nhão, chống táo bón, không thể gây tổn thương thêm cho hậu môn và tránh tái phát..
- Ngâm hậu môn nước ấm (40 độ C) từ 10 đến 20 phút, khoảng 3 đến 4 lần ngày, sẽ giúp làm giãn cơ vòng, tăng tưới máu, giảm đau vùng hậu môn. Có thể chườm nóng vùng hậu môn, nhưng cẩn thận không để phỏng da.
- Bệnh nhân cần vận động, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để chống táo bón, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, làm mềm phân giúp lọai bỏ được tác nhân gây bệnh.
- Trường hợp bệnh nhân đã bị táo bón dài ngày, bác sĩ có thể chỉ định uống thêm các loại thuốc chống táo bón (Duphalac, Forlax… ) nhằm làm mềm phân và nhuận tràng.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được kê thêm các thuốc giảm đau, giãn cơ. Lưu ý, tất cả các loại thuốc phải có đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh, người bệnh không được tự ý mua thuốc điều trị.
Một phương pháp khác là chích độc tố Botilinum (Botox) vào cơ vòng trong gây dãn cơ vòng, vết nứt mãn tính có thể lành đến từ 60 đến 80% trong khoảng từ 2 đến 3 tháng.
Đối với nứt kẽ hậu môn cấp tính, điều trị không phẫu thuật thường đem lại kết quả tốt, vết nứt hoặc rách có thể lành trong vài tuần. Nếu vết nứt không lành trong 6 đến 8 tuần, hoặc tái phát hoặc vết nứt lan sâu vào cơ vòng hậu môn gây đau đớn. Lúc này cần xác định thêm nguyên nhân gây bệnh khác như viêm nhiễm trùng, thăm khám hậu môn dưới gây mê hay tê, đo trương lực cơ vòng trong để xác định tình trạng tăng trương lực.
Phẫu thuật là lựa chọn sau cùng để điều trị vết nứt mãn tính không đáp ứng điều trị bảo tồn, bằng cách cắt giảm một phần nhỏ của cơ vòng hậu môn để giảm co thắt và đau, giúp vết nứt mau lành.Các phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị nứt kẽ hậu môn bao gồm:
1. Nong hậu môn
Các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật này nếu bệnh nhân bị nứt kẽ hậu môn mạn tính với các triệu chứng tái phát. Bệnh nhân được gây mê khi thực hiện phẫu thuật này. Các bác sĩ sẽ nong hậu môn bị chit hep dần dần bằng panh hậu môn.
2. Cắt cơ vòng hậu môn
Các bác sĩ sẽ tạo một vết rạch ở cơ vòng hậu môn để nới lỏng vết nứt hoặc rách, giúp giảm sức căng và giảm áp lực lên vết rách hậu môn. Vết thường nhờ vậy sẽ liền dần sau phẫu thuật.
3. Thủ thuật STARR
Các bác sĩ sẽ chỉ định cắt túi sa trực tràng qua ngả hậu môn (STARR) trong trường hợp bệnh nhân bị hội chứng đại tiện tắc nghẽn gây rách hậu môn. Trong thủ thuật này, kẹp phẫu thuật được sử dụng để cắt mô thừa trong trực tràng.
Tuy nhiên, biến chứng sau thủ thuật STARR có thể là chảy máu, đại tiện không kiểm soát, lỗ rò và các triệu chứng khác. Vì vậy, bệnh nhân cần cân nhắc ưu và khuyết điểm trước khi quyết định điều trị.
Xem thêm:
Gửi câu hỏi cho chuyên gia