Nội soi chẩn đoán trĩ giúp phát hiện và đánh giá mức độ các búi trĩ. Trong khi đó, nội soi điều trị bệnh trĩ là các thủ thuật nhằm làm giảm lưu thông máu tới vùng trĩ, thường được áp dụng với bệnh trĩ khi ở giai đoạn đầu, chưa tiến triển nặng. Những thủ thuật này thường được làm trong ngày và sau khoảng 1-2 tiếng được ra viện ngay.
Mục lục
Nội soi hậu môn ống cứng can thiệp – tiêm xơ búi trĩ

Tiêm xơ búi trĩ là phương pháp tiêm một chất gây xơ vào gốc búi trĩ để điều trị trĩ nội bằng nội soi hậu môn ống cứng.
Chỉ định và chống chỉ định
Phương pháp này được chỉ định cho bệnh trĩ nội độ 1, độ 2, và độ 3 nhỏ.
Chống chỉ định:
- Trĩ nội độ 3 to, độ 4, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại, huyết khối trĩ.
- Viêm nhiễm tại hậu môn.
- Bệnh rối loạn đông máu, bệnh toàn thân giai đoạn cấp, bệnh suy giảm miễn dịch HIV.
Chuẩn bị
- Thụt tháo phân, đi tiểu trước khi làm thủ thuật.
- Xét nghiệm đông máu, cầm máu
Các bước thực hiện

- Người bệnh nằm sấp.
- Bác sĩ tiến hành thăm hậu môn bằng cách đút một ống nội soi đã được làm ấm và bôi trơn vào hậu môn của người bệnh, xác định lại chẩn đoán, chọn các búi trĩ sẽ tiêm thuốc.
- Bác sĩ lau sạch ống hậu môn, bôi thuốc khử khuẩn dịu như Betadine, banh hậu môn để thấy gốc búi trĩ.
- Tiêm thuốc gây xơ vào gốc búi trĩ vùng dưới niêm mạc, mỗi búi từ 1, 2, 3 ml tùy kích thước búi trĩ. Rút kim ra, nếu chảy máu ở lỗ đâm kim, ấn chặt một miếng bông. Tiêm trên đường lược ít nhất 5 mm, người bệnh không đau.
- Tiếp tục điều trị búi trĩ khác. Không tiêm quá 3 búi trĩ trong một lần điều trị. Tránh tiêm ở vị trí 12 giờ.
- Các lần tiêm cách nhau 1- 2 tuần lễ.
Theo dõi
- Bệnh nhân được theo dõi mạch, huyết áp trước và sau khi thắt.
- Sau thủ thuật, bệnh nhân nghỉ ngơi 15 phút rồi được cho về.
- Bệnh nhân được kê thuốc giảm đau, nhuận tràng, an thần để uống tại nhà.
- Trong 7 ngày tới, bệnh nhân cần ngâm hậu môn bằng nước ấm 2 lần/1 ngày.
Tai biến
- Trong và sau quá trình điều trị bệnh nhân có thể gặp một số tai biến sau:
- Sốc phản vệ như mạch nhanh, huyết áp tụt.
- Choáng.
- Bác sĩ tiêm không đúng khoang dưới niêm mạc: sâu quá lớp cơ, người bệnh đau. Hoặc bác sĩ tiêm nông quá, niêm mạc trắng bệch, thuốc trào ra ngoài, không có tác dụng.
- Chảy máu chỗ tiêm.
- Áp xe hay nứt kẽ hậu môn.
- Nhiễm khuẩn nặng như sốt cao, đau nhiều, bí đái.
Nội soi hậu môn ống cứng can thiệp – thắt trĩ bằng vòng cao su

Soi hậu môn ống cứng và thắt búi trĩ bằng vòng cao su là phương pháp điều trị đơn giản, mục đích là lồng vào cổ búi trĩ nội một vòng cao su, búi trĩ sẽ hoại tử chậm và rụng sau 7-10 ngày.
Chỉ định và chống chỉ định
Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân trĩ nội độ 1, độ 2 có chảy máu.
Chống chỉ định:
- Trĩ nội độ 3 lớn, độ 4, trĩ hỗn hợp, trĩ huyết khối, trĩ ngoại.
- Viêm nhiễm vùng hậu môn.
- Các bệnh rối loạn đông máu, bệnh toàn thân ở giai đoạn cấp, suy giảm miễn dịch.
Chuẩn bị
- Đi tiểu trước khi làm thủ thuật
- Xét nghiệm
Các bước thực hiện
- Bệnh nhân nằm chổng mông, quỳ hai đầu gối hoặc tư thế nằm nghiêng trái, co chân trên bàn phẳng nằm ngang.
- Bác sĩ sẽ tăm hậu môn, đút một ống nội soi đã được làm ấm và bôi trơn để đút vào hậu môn của người bệnh, xác định lại chẩn đoán và chọn các búi trĩ sẽ thắt.
- Ống hậu môn được lau sạch bằng thuốc khử khuẩn dịu như betadine. Nếu còn ít phân có thể đặt một miếng gạc đẩy về phía trực tràng, lấy ra sau khi làm xong thủ thuật.
- Đặt lại ống soi hậu môn, cho dụng cụ thắt trĩ vào, dùng kìm hay máy hút kéo búi trĩ vào trong lòng ống hình trụ, bật lẫy cho vòng cao su ôm vào cổ búi trĩ. Có thể thắt 1-2 búi trĩ hay 3 búi trĩ trong một lần điều trị.
- Bắt buộc phải thắt ở trên đường lược ít nhất 5mm để người bệnh không đau.
- Có thể phối hợp tiêm thuốc gây xơ, cồn tuyệt đối, xylocain, điều trị ngay.
- Các búi trĩ chảy máu sau thắt sẽ được thắt lại hoặc cầm máu bằng tiêm cầm máu.
- Các búi trĩ không thắt được hết sẽ được hẹn thắt lần hai
- Các lần thắt trĩ điều trị cách nhau ít nhất 3 tuần lễ.
Theo dõi
- Bệnh nhân được theo dõi mạch, huyết áp trước và sau khi thắt.
- Người bệnh cần nhịn đi ngoài 24 giờ.
- Bệnh nhân sẽ được kê thuốc giảm đau, nhuận tràng khi về nhà.
- Sau thắt, bệnh nhân được ăn cháo ấm và theo dõi các biến chứng như đau và bí tiểu.
- Khi về nhà bệnh nhân được hướng dẫn hạn chế vận động mạnh, ăn thức ăn dễ tiêu, và uống đủ nước.
- Trường hợp bí tiểu được chườm ấm vùng bàng quang hoặc đặt sonde tiểu nếu bí tiểu kéo dài.
Tai biến
- Đau: do vòng thắt quá thấp, phải tháo vòng đặt lại cao hơn. Nếu bác sĩ làm đúng kỹ thuật, người bệnh không đau, có thể về sau 15 phút nghỉ ngơi.
- Tuột vòng do đi ngoài sớm, cần được đặt lại vòng
- Chảy máu khi búi trĩ rụng
- Tắc mạch trĩ
- Nhiễm khuẩn nặng với ba dấu hiệu là sốt cao, đau nhiều và bí tiểu
Nội soi hậu môn ống mềm – thắt trĩ bằng vòng cao su
Hiện nay tại nước ta, phương pháp thắt vòng cao su chủ yếu được tiến hành qua nội soi ống cứng, và bước đầu đã có một số cơ sở thực hiện thắt trĩ bằng vòng cao su qua nội soi ống mềm.
So với nội soi trực tràng ống cứng thì phương pháp nội soi ống mềm có những ưu điểm sau:
- ✔ Bác sĩ có thể thắt nhiều vòng cao su trong một lần thực hiện hơn so với ống cứng
- ✔ Ống soi mềm mại, dễ dàng điều khiển để quan sát những tổn thương nhỏ, ở các vị trí khuất khó nhìn thấy.
- ✔ Đường kính ống mềm nhỏ hơn ống cứng, dễ dàng đưa vào hậu môn và di chuyển trong trực tràng.
- ✔ Hình ảnh rõ nét và chính xác hơn nhiều lần so với nội soi ống cứng.
- ✔ Cho phép quan sát niêm mạc vùng hậu môn trực tràng và các búi trĩ ở tư thế quặt ngược tương đối thuận lợi, bác sĩ có thể tránh được việc thắt vào đường lược từ đó làm giảm mức độ đau ngay sau thắt trĩ của bệnh nhân. Trong nội soi ống cứng, vùng niêm mạc hậu môn quan sát được tương đối hạn chế và khó làm sạch nếu bệnh nhân không được thụt tháo tốt. Điều này có thể dẫn đến việc vòng cao su thắt cả vào phần niêm mạc nhạy cảm phía dưới đường lược gây triệu chứng đau sau thắt cho bệnh nhân.
- ✔ Sử dụng ống mềm nên rất ít gây các tổn thương bên trong trực tràng bệnh nhân, ít gây ra những biến chứng sau khi nội soi.
- ✔ Thời gian thực hiện ngắn hơn so với nội soi ống cứng, giảm căng thẳng và khó chịu cho bệnh nhân.
- ✔ Ngay sau thắt trĩ, bệnh nhân chỉ đau ở mức độ trung bình và hết đau sau thời gian ngắn, khoảng 40 – 60 phút. Bệnh nhân thắt trĩ bằng nội soi ống cứng vẫn đau rất nhiều sau thắt 4 tiếng, một số bệnh nhân có thể đau ở mức trung bình tới 7 ngày.
Treo trĩ bằng dụng cụ nội soi
Treo trĩ bằng dụng cụ nội soi là phương pháp giảm thiểu cơn đau sau mổ cho bệnh nhân, ít tái phát và có chi phí thấp.
Các bước thực hiện
Bác sĩ sẽ triệt mạch trĩ và cố định mô trĩ sa vào cơ vòng trực tràng bằng một đường khâu liên tục kiểu cuốn chiếu đi qua đường đỉnh mô trĩ bằng dụng cụ nội soi.
Mô trĩ không có mạch máu nuôi sẽ teo nhỏ lại và mô trĩ sa ra ngoài hậu môn sẽ được đưa về vị trí ban đầu trong ống hậu môn trực tràng.
Tai biến
Ít biến chứng chảy máu sau mổ và không bị hẹp trực tràng.
Tái phát trĩ
Ít tái phát, chỉ gặp tái phát trong trường hợp trĩ hỗn hợp hình vòng. Trường hợp trĩ hỗn hợp hình vòng, phối hợp hai phương pháp treo trĩ bằng dụng cụ nội soi và cắt phần trĩ ngoài, da thừa bằng máy đốt điện, chích xanh Methylene vết mổ, kết quả rất ít bị tái phát trĩ.
Khi nào cần mổ trĩ nội soi bệnh trĩ?
Thông thường, các lời khuyên phẫu thuật trĩ được đưa ra khi bệnh nhân đã mắc bệnh trĩ ở cấp độ 4 – cấp độ nguy hiểm. Lúc này, các búi trĩ phát triển với kích thước quá lớn bị sa ra bên ngoài hậu môn và mất khả năng co lại bên trong nên việc áp dụng chữa trị bằng phương pháp nội khoa dùng thuốc điều trị bệnh là hoàn toàn không có tác dụng. Không chỉ vậy, trĩ độ 4 cũng là thời điểm mà bệnh trĩ có thể gây biến chứng bất kì lúc nào nên việc phẫu thuật cắt trĩ là biện pháp khẩn thiết giúp điều trị nhanh chóng để đảm bảo sự an toàn, sức khỏe của bệnh nhân.

Đối với bệnh trĩ ở các cấp độ nhẹ hơn, các búi trĩ chưa mất khả năng co vào hậu môn hoàn toàn nên việc điều trị bệnh bằng các phương pháp nội khoa như: kết hợp dùng thuốc bôi điều trị tại chỗ và uống thuốc điều trị bên trong vẫn có thể giúp người bệnh kiểm soát và điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại từ người bệnh mới đem lại hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra các bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật với các trường hợp như trĩ vòng sa, trĩ lớn bị sa, chảy máu đáng kể, hoặc khi tất cả các phương pháp điều trị khác thất bại.
Làm sao để không cần phẫu thuật cắt trĩ?
Để không cần mổ trĩ nội soi, ý thức trong việc điều trị bệnh và phòng ngừa bệnh sau khi khỏi là yếu tố đóng vai trò tiên quyết. Cụ thể như:
- Người bệnh cần chủ động điều trị bệnh ngay từ giai đoạn bệnh còn nhẹ (trĩ cấp độ 1 và 2). Cần kiên trì điều trị bệnh tới khi khỏi và nên duy trì một thời gian uống thuốc sau khi bệnh đã khỏi hẳn nhằm ngăn chặn nguy cơ bệnh tái phát trở lại.
- Tuyệt đối trong quá trình điều trị bệnh không và bỏ dở giữa chừng. Việc làm này không những không có tác dụng trong điều trị bệnh trĩ mà còn khiến bệnh biến chứng, phát triển với tốc độ “chóng mặt” hơn.
- Chế độ ăn uống hàng ngày cần được cải thiện và cân bằng, bổ sung nhiều chất sơ như: các loại rau xanh, các loại củ, hạt và hoa quả tươi… giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa chứng táo bón – yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành bệnh trĩ.
- Uống nước thường xuyên, nếu không thể tăng cường chất sơ bằng đường thức ăn, có thể chế biến thành các loại nước ép hoa quả, nước ép rau củ uống hàng ngày.
- Luyện tập thể dục hàng ngày giúp nâng cao sức khỏe, tinh thần thoải mái bằng các bài tập nhẹ nhàng như: tập thể dục, đi bộ, tập yoga, ngồi thiền…
- Không nên vận động hoặc lao động quá sức, không nên đứng hoặc ngồi trong thời gian quá lâu.
- Hạn chế không sử dụng đồ uống có cồn, rượu bia và các chất kích thích.
Mổ trĩ nội soi trong điều trị bệnh trĩ không phải là phương pháp duy nhất và bắt buộc. Phương pháp điều trị bảo tồn (nội khoa) vẫn luôn là sự lựa chọn ban đầu trong điều trị bệnh trĩ. Nếu bạn được chỉ định mổ trĩ nội soi, cần nhớ đây chỉ là một phần nhỏ trong quá trình điều trị tổng thể. Phục hồi chức năng hậu môn và điều trị ngăn chặn trĩ tái phát cũng vô cùng quan trọng không kém để tránh bệnh trĩ quay trở lại một lần nữa.
||Tham khảo bài viết khác:
Gửi câu hỏi cho chuyên gia